Văn hóa doanh nghiệp – Yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp

11:19:4226/06/2023

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng tầm thương hiệu, không còn cách nào khác là phải chú trọng tới văn hóa doanh nghiệp(VHDN).

VHDN chính là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong doanh nghiệp học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và ứng xử với môi trường xung quanh. Nói cách khác, VHDN là toàn bộ những nhân tố văn hóa (vật thể, phi vật thể) được doanh nghiệp lựa chọn, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh tạo nên bản sắc kinh doanh riêng của doanh nghiệp đó. Nhìn từ bên ngoài thì VHDN là nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp đó, phân biệt nó với doanh nghiệp khác về cả yếu tố vật thể (một mẫu đồng phục của tất cả các nhân viên; một kiểu thiết kế phòng làm việc cho mọi người hay thậm chí là một kiểu dây đeo thẻ…) và phi vật thể (cách chào đón khách; sự nhiệt tình, hào hứng khi trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, sự nỗ lực làm việc của toàn bộ nhân viên…). Nhìn từ bên trong thì VHDN là những chuẩn mực mà tất cả thành viên đều tuân thủ hay bị chi phối, từ chuẩn mực về trang phục, giao tiếp đến mục tiêu và triết lý kinh doanh, cách làm việc và ứng xử của mỗi thành viên trong doanh nghiệp…

 

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP

 

VHDN là yếu tố do doanh nghiệp tạo ra và chính yếu tố này quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Có thể cắt nghĩa điều đó như sau:

 

Thứ nhất, VHDN tạo nên nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp: mỗi doanh nghiệp có một đặc trưng riêng và chính văn hóa doanh nghiệp tạo nên nét khác biệt đó. Các giá trị cốt lõi, các tập tục, lễ nghi, thói quen hay cách họp hành, đào tạo, thậm chí đến cả đồng phục, giao tiếp…đã tạo nên phong cách riêng biệt của doanh nghiệp, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Trong hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp trên thị trường, chỉ cần có một đặc trưng riêng sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật, dễ nhận biết và có một định vị tốt trong tâm trí khách hàng và đối tác. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, cũng như uy tín của doanh nghiệp theo đó sẽ được đẩy mạnh.

 

Thứ hai, VHDN khích lệ sự đổi mới, sáng tạo. Thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp có môi trường văn hóa làm việc tốt, mọi nhân viên luôn luôn được khuyến khích đưa ra sáng kiến, ý tưởng của mình…thì họ trở nên năng động, sáng tạo hơn và cũng gắn bó với doanh nghiệp hơn. Xét về ảnh hưởng tiêu cực, nền văn hóa yếu kém sẽ gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp. Chẳng hạn trong một doanh nghiệp, cơ chế quản lý cứng nhắc, độc đoán sẽ làm nhân viên sợ hãi, thụ động và thờ ơ hoặc chống đối lại lãnh đạo. Nhân viên làm việc được chăng hay chớ, họ sẽ bỏ doanh nghiệp đi bất cứ lúc nào.

 

 

Thứ ba, VHDN làm giảm bớt các xung đột trong nội bộ doanh nghiệp. Được làm việc trong một môi trường văn hóa tốt, các thành viên chia sẻ các giá trị lợi ích giống nhau, chắc chắn họ sẽ hợp tác trên tinh thần đoàn kết, nhất trí và làm việc trong sự tương trợ lẫn nhau. Khi xảy ra những mâu thuẫn, họ dễ dàng xử lý theo cách phù hợp và ôn hòa nhất. Giảm được xung đột, tinh thần làm việc của nhân viên sẽ được nâng cao, tập trung được thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung với hiệu quả tốt hơn.

 

Thứ thư, VHDN tạo động lực làm việc cho nhân viên. Được làm việc trong môi trường lành mạnh, tư tưởng nhân viên sẽ thoải mái hơn, tâm trạng cũng phấn khích hơn khi bắt tay vào công việc. Nhân viên chỉ thấy được mục tiêu, định hướng và bản chất của công việc trong một nền văn hóa tích cực và điều này có ý nghĩa rất lớn đến việc nỗ lực thực hiện công việc của họ. Đồng thời, nó cũng tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo với nhân viên và giữa nhân viên với nhau. Trong môi trường làm việc như vậy, các cá nhân không chỉ nhận thấy nỗ lực làm việc của mình là cần thiết mà còn nhận thức được vai trò của mình vào nỗ lực chung của doanh nghiệp.

 

Thứ năm, VHDN quy tụ được sức mạnh của toàn doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào xây dựng được VHDN tốt thì sẽ thu hút và giữ được nhân tài, củng cố lòng trung thành của nhân viên với doanh nghiệp, và ngược lại. Thật sai lầm khi cho rằng trả lương cao sẽ giữ được nhân tài. Lương cao, nhưng không khuyến khích sự sáng tạo, nội bộ lục đục… thì nhân tài cũng “đội nón” ra đi. Nhân viên chỉ trung thành, gắn bó với doanh nghiệp khi doanh nghiệp có môi trường làm tốt, khuyến khích họ phát triển. Việc thu hút, giữ chân người tài là tiền đề quan trọng để con tàu doanh nghiệp có thể đi đến bến thành công.

 

XÂY DỰNG VHDN Ở VIỆT NAM

 

Để xây dựng được VHDN tốt, phát huy những lợi thế mà nó mang lại, trước tiên phải hiểu văn hóa dân tộc- nhân tố đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn, cách nghĩ, cách làm của con người. Người lao động sống trong một nền văn hóa dân tộc nhất định, chịu sự tác động và chi phối của các giá trị thuộc nền văn hóa đó, thì chắc chắn những giá trị đó cũng được họ thể hiện rõ trong quá trình hoạt động của mình tại doanh nghiệp. Người Việt Nam với các đặc trưng tiêu biểu của văn hóa làng xã: trọng tình, ý thức thể diện cao, coi trọng nền nếp và thứ bậc, có tư tưởng sùng bái thế lực tự nhiên… Chính những điều này đã được họ thể hiện trong doanh nghiệp nơi mình làm việc như: xây dựng được mối quan hệ đồng nghiệp vui vẻ, đoàn kết, gắn bó; luôn có ý chí vươn lên trong công việc để thể hiện mình với gia đình và xã hội; thái độ cư xử đúng mực, tôn trọng con người; nhớ về tổ tiên, cội nguồn…đây là những yếu tố mang lại những lợi thế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng kèm những hạn chế như mang chuyện cá nhân vào trong công việc quá nhiều; thiếu tính trung thực và cạnh tranh không lành mạnh, nói không đi đôi với làm; thiếu sự đột phá để thể hiện sức sáng tạo cá nhân; có tư tưởng mê tín, dị đoan…Nhà quản trị nắm được những điểm này sẽ phát huy được lợi thế, kiểm soát những hạn chế để khắc phục.

 

 

 

Tiếp đến là vai trò của người lãnh đạo, trước hết lãnh đạo phải là tấm gương về văn hóa doanh nghiệp. Lãnh đạo là người đặt nền móng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Vì vậy, họ phải là tấm gương xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Họ phải đưa ra những quyết định hợp lý trong việc xây dựng hệ thống giá trị văn hóa, và phải là người đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, để làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty.

 

Thứ ba là vai trò của các cá nhân trong doanh nghiệp.Văn hóa doanh nghiệp phải do tập thể doanh nghiệp tạo dựng nên, người lãnh đạo đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng quá trình này chỉ có thể thành công với sự đóng góp tích cực của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Để thu hút nhân viên quan tâm tới văn hóa, doanh nghiệp có thể mở các lớp huấn luyện về văn hóa doanh nghiệp đối với nhân viên mới, hay thường xuyên trưng cầu dân ý về môi trường làm việc của doanh nghiệp.

 

Khi xây dựng VHDN cần chú ý đến sự phù hợp của nó với yếu tố con người và yếu tố môi trường trong và ngoài doanh nghiệp. Để có sự phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đề ra một mô hình văn hóa chú trọng đến sự phát triển toàn diện của người lao động, xây dựng cho được môi trường làm việc mà ở đó mọi cá nhân đều phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời VHDN phải phù hợp với những điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, dựa trên điểm mạnh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng phải phù hợp với môi trường kinh doanh, văn hóa dân tộc.

 

Như vậy, với những lợi thế do VHDN tạo ra, các nhà quản trị cần quan tâm đến việc xây dựng bản sắc cho doanh nghiệp mình và nỗ lực trong việc chuyển tải nó đến từng cá nhân, coi đó là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức để đưa con thuyền doanh nghiệp đi đến thành công.

 

Nguồn internet

 

JOBWIDE – CONNECTING TALENT

Mail: hr.jobwide@gmail.com

Website: https://jobwide.vn/